Thị thực và Di trú
English I Vietnamese
Thông tin mới nhất
Cảnh giác với các đối tượng lừa đảo nhắm đến người đăng ký tham gia chương trình lựa chọn ngẫu nhiên để nộp hồ sơ xin thị thực Lao động kết hợp Kỳ nghỉ
Bộ Nội Vụ Úc đã tiếp nhận các báo cáo đáng quan ngại về việc các đối tượng lừa đảo đang nhắm đến những người đăng ký tham gia chương trình lựa chọn ngẫu nhiên các đương đơn được nộp hồ sơ xin thị thực Lao động kết hợp Kỳ nghỉ khi những người này chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng hoặc với các bên thứ ba không được ủy quyền.
Quý vị cần có trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Đừng chia sẻ thông tin cá nhân (bao gồm ngày tháng năm sinh, số hộ chiếu, số căn cước công dân hoặc các thông tin nhân dạng khác) trên mạng xã hội hoặc với những người khác vì những thông tin này có thể bị sử dụng vào mục đích lừa đảo.
Nếu thông tin cá nhân của quý vị đã được sử dụng bởi người khác trên tài khoản Immi Account, hãy thông báo cho chúng tôi biết thông qua mẫu đơn hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến có tại đây ImmiAccount Technical Support Form (homeaffairs.gov.au).
Xin hãy lưu ý chúng tôi không thể thông báo tình hình cập nhật của từng hồ sơ đăng ký tham gia chương trình lựa chọn ngẫu nhiên này.
Quy trình lựa chọn ngẫu nhiên mới dành cho hồ sơ xin Thị thực Lao động kết hợp Kỳ nghỉ
Kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2024, người mang hộ chiếu Việt Nam đủ điều kiện muốn nộp hồ sơ xin thị thực Lao động kết hợp với Kỳ Nghỉ lần thứ nhất (diện thị thực 462) có thể đăng ký tham gia quy trình (lựa chọn ngẫu nhiên tự động) trước khi nộp hồ sơ cho năm chương trình 2024-2025.
Người mang hộ chiếu Việt Nam đủ điều kiện muốn nộp hồ sơ xin thị thực Lao động kết hợp với Kỳ Nghỉ lần thứ nhất có thể đăng ký trực tuyến tham gia quy trình lựa chọn ngẫu nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 10 đến 8 tháng 10 năm 2024.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 11 năm 2024 đến 30 tháng 04 năm 2025, chúng tôi sẽ thực hiện lựa chọn ngẫu nhiên các hồ sơ đã đăng ký thành công. Những trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên để nộp hồ sơ xin thị thực sẽ được thông báo qua thư điện tử.
Để biết thêm thông tin, bao gồm cách đăng ký, vui lòng truy cập trang mạng New Work and Holiday (subclass 462) visa pre-application process (homeaffairs.gov.au)
Ứng dụng myVEVO có phiên bản mới
Ứng dụng myVEVO giúp người mang thị thực có thể kiểm tra các thông tin về thị thực Úc bao gồm ngày hết hạn thị thực, quyền học tập và làm việc và các điều kiện khác một cách nhanh chóng và thuận tiện. Để biết thêm thông tin về ứng dụng myVeVO, vui lòng truy cập trang mạng News page (homeaffairs.gov.au).
Chiến lược Nhập cư của Chính phủ Úc
Vào thứ Hai ngày 11 tháng 12 năm 2023, Chính phủ Úc đã công bố Chiến lược Nhập cư. Chiến lược đề ra những kế hoạch đổi mới hệ thống nhập cư của Úc nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai của quốc gia, đồng thời sẽ giúp xây dựng một nước Úc thịnh vượng và an toàn.
Để biết thêm thông tin về Chiến lược Nhập cư và những đổi mới cụ thể, quý vị có thể xem Migration Strategy (homeaffairs.gov.au)
Để biết thông tin mới nhất về di trú và quốc tịch, xin vui lòng xem News archive.
Những câu hỏi trước khi nộp hồ sơ
Các hồ sơ xin thị thực và quốc tịch được Bộ Nội Vụ quản lý. Nhân viên Đại Sứ Quán Úc và Tổng Lãnh Sự Quán Úc tại Việt Nam không thể hỗ trợ trả lời các câu hỏi liên quan đến thị thực và quốc tịch của quý vị.
Trang mạng của Bộ Nội Vụ có thông tin đầy đủ và cập nhật nhất hướng dẫn nộp hồ sơ xin thị thực và quốc tịch. Trang mạng cũng có những định nghĩa và công cụ hữu dụng giúp quý vị hiểu rõ những yêu cầu của Bộ. Để biết thêm thông tin, quý vị xem trang mạng của Bộ tại địa chỉ Immigration and citizenship
Nếu quý vị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin trên trang mạng của Bộ, Trợ lý Điện tử của Bộ Nội Vụ có thể hỗ trợ quý vị. Trợ lý Điện tử có thể giúp quý vị tìm kiếm thông tin về thị thực, quốc tịch và biên giới Úc. Để biết thêm thông tin, quý vị xem trang mạng của Bộ Immigration and citizenship, và nhấp chuột vào nút Đặt câu hỏi (Ask a question) để bắt đầu.
Quý vị vui lòng xem phần các Câu hỏi Thường gặp, Thông tin về từng loại thị thực cụ thể và Hướng dẫn nộp hồ sơ xin thị thực dưới đây để biết cách thức nộp từng loại hồ sơ tại Việt Nam – thông tin được cung cấp bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Những câu hỏi sau khi nộp hồ sơ
Bộ Nội Vụ không hỗ trợ trả lời các câu hỏi liên quan đến di trú trước khi quý vị nộp hồ sơ. Tuy nhiên, nếu quý vị có câu hỏi liên quan đến một hồ sơ cụ thể đã nộp (nhưng chưa được quyết định), và thông tin trên trang mạng này cũng như trang mạng chính của Bộ không trả lời cho câu hỏi của quý vị, quý vị có thể gửi yêu cầu đến Bộ bằng cách điền mẫu đơn Yêu cầu Thông tin về Di trú Úc – mẫu đơn có sẵn tại Australian Immigration Enquiry Form (homeaffairs.gov.au).
Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu
Nếu quý vị cần thêm thông tin, quý vị có thể gọi Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu (GSC) theo số điện thoại +61 2 6196 0196 – Trung tâm làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều (giờ địa phương).
Quý vị có thể phải trả cước phí cho những cuộc gọi Quốc tế - cước phí này do nhà cung cấp viễn thông ở nước của quý vị áp dụng. Quý vị có thể cân nhắc sử dụng cuộc gọi Thoại thông qua dịch vụ mạng (VoIP) để tránh chi phí cao.
Sử dụng thông dịch viên
Khi quý vị gọi cho GSC, quý vị hãy bấm lựa chọn 6 để được cung cấp dịch vụ Biên dịch và Phiên dịch (TIS) theo ngôn ngữ của quý vị. Quý vị có thể thực hiện lựa chọn 6 ngay khi quý vị bấm số GSC.
Ngoài ra, phiên dịch viên của TIS cũng có thể được đăng ký trực tiếp qua những phương thức sau:
- Trang mạng của TIS: Search | Translating and Interpreting Service (TIS National) hoặc
- Trang mạng của Bộ Nội Vụ: Family and friends helping with your application
Kiểm tra thật kỹ hồ sơ của quý vị trước khi nộp
Để giúp chúng tôi xét duyệt hồ sơ của quý vị nhanh hơn, quý vị có thể thực hiện một số việc để đảm bảo rằng khi nộp, hồ sơ của quý vị ở trạng thái “sẵn sàng cho quyết định”. Để biết thêm thông tin về vấn đề này, xin vui lòng xem phần Check twice, submit once (homeaffairs.gov.au).
Lưu ý – Nếu bất cứ giấy tờ hỗ trợ nào trong hồ sơ của quý vị không được cấp phát bằng tiếng Anh, quý vị cần cung cấp bản dịch tiếng Anh cùng với bản sao giấy tờ gốc. Mỗi giấy tờ được dịch sang tiếng Anh phải bao gồm những thông tin sau (bằng tiếng Anh) của người dịch:
- Họ tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại liên lạc; cùng
- Bằng cấp và kinh nghiệm dịch trong ngôn ngữ họ dịch thuật.
Lưu ý: Chúng tôi khuyến nghị quý vị nộp hồ sơ sớm và chỉ đặt chỗ chuyến bay sau khi quý vị được cấp thị thực. Chính phủ Úc sẽ không chịu trách nhiệm về những thiệt hại tài chính liên quan đến việc đặt vé máy bay và khách sạn của những đương đơn mà hồ sơ xin thị thực được quyết định sau thời điểm dự kiến đến Úc hoặc hồ sơ xin thị thực bị từ chối.
Đến Úc vào mùa cao điểm
Nếu quý vị có kế hoạch đi Úc vào dịp hè sắp tới, chúng tôi khuyến khích quý vị nên nộp hồ sơ càng sớm càng tốt và nộp bộ hồ sơ hoàn chỉnh, bao gồm bản dịch tiếng Anh của các giấy tờ không được cấp phát bằng tiếng Anh.
Để biết thêm thông tin về cách thức nộp một bộ hồ sơ xin thị thực Du lịch hoàn chỉnh, quý vị có thể xem phần Applying for a visitor visa (homeaffairs.gov.au).
Quý vị cũng nên xem thêm phần Hướng dẫn nộp hồ sơ xin Thị thực Nhập cảnh Tạm thời dành riêng cho Việt Nam (diện thị thực 600) ở bên dưới.
Thư “hỗ trợ” quốc tịch
Đại sứ quán Úc và Tổng Lãnh sự quán Úc xin thông báo rằng Đại sứ quán Úc và Tổng Lãnh Sự Quán Úc không thể cung cấp “thư hỗ trợ” hoặc “giấy chứng nhận quốc tịch” cho trẻ có cha và mẹ mang quốc tịch Úc hoặc cha/mẹ mang quốc tịch Úc và người cha/mẹ còn lại có quốc tịch khác tại thời điểm trẻ được sinh ra tại Việt Nam.
Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán được biết rằng một số các cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu cha mẹ của những trẻ em này cung cấp “thư hỗ trợ” hoặc “giấy chứng nhận quốc tịch” để xin giấy khai sinh cho những trẻ em này.
Theo luật của Úc, trẻ em có một người cha hoặc mẹ là công dân Úc tại thời điểm được sinh ra ở ngoài nước Úc không mặc nhiên trở thành công dân Úc. Những trẻ em này phải nộp đơn xin Chính phủ Úc cấp Quốc tịch Úc theo Huyết thống và đợi đến khi có quyết định về quốc tịch.
Tố cáo liên quan đến những hoạt động biên giới đáng ngờ
Nếu có điều gì có vẻ không đúng, quý vị hãy thông báo cho chúng tôi thông qua Border Watch mà không cần cung cấp thông tin cá nhân. Border Watch là trung tâm thu thập dữ liệu độc lập cho Bộ Nội Vụ và Lực lượng Bảo vệ Biên giới Úc (ABF) – thu thập những tố cáo liên quan đến các hoạt động biên giới đáng ngờ; những thông tin này không chỉ giới hạn trong vấn đề nhập cư và quốc tịch. Một quan sát nhỏ có thể giúp ngăn chặn tội phạm biên giới ở cấp độ lớn hơn nhiều. Quý vị có thể báo cáo các hoạt động đáng ngờ liên quan đến di trú, hải quan và biên giới thông qua Border Watch Online Report.
Quý vị cũng nên xem phần dưới đây để biết thông tin về các hình thức lừa đảo đang tồn tại ở Việt Nam.
Phản hồi tích cực, khiếu nại hay đề xuất
Bộ Nội Vụ đánh giá cao phản hồi của quý vị. Bộ sử dụng phản hồi của quý vị để cải thiện dịch vụ, điều tra và xử lý những vấn đề có liên quan. Quý vị có thể tìm thêm thông tin trên trang mạng của Bộ tại Compliments, complaints and suggestions.
Các câu hỏi thường gặp
Xin vui lòng xem trang Những câu hỏi thường gặp bằng tiếng Anh và tiếng Việt để biết thêm thông tin về:
- Cách thức nộp hồ sơ
- Lệ phí xét duyệt hồ sơ xin thị thực
- Thời gian xét duyệt
- Cung cấp dữ liệu Sinh trắc học
Thông tin về các diện Thị thực cụ thể và Hướng dẫn nộp hồ sơ
1. Temporary Entry visas - Thị thực nhập cảnh tạm thời
Khi nộp hồ sơ xin thị thực diện 600, hãy chắc chắn quý vị nộp đúng diện thị thực (du lịch hoặc công tác ngắn hạn) phù hợp với mục đích của chuyến thăm Úc. Quý vị không thể thay đổi diện thị thực sau khi đã nộp hồ sơ vì vậy nếu nộp sai diện thị thực, hồ sơ của quý vị sẽ bị từ chối. Các hồ sơ nộp sai diện thị thực sẽ không được hoàn trả lệ phí xét duyệt. Để tìm hiểu thêm thông tin về những hoạt động có thể thực hiện khi có thị thực công tác ngắn hạn và thị thực du lịch, quý vị có thể truy cập trang mạng Visitor visa (subclass 600) Business Visitor stream (homeaffairs.gov.au) và Visitor visa (subclass 600) Tourist stream (apply outside Australia) (homeaffairs.gov.au)
Hãy lưu ý rằng người có diện thị thực 600 (công tác ngắn hạn) không được phép làm việc khi ở Úc. Quý vị hãy xem xét lựa chọn diện thị thực khác nếu muốn làm việc trong thời gian ở Úc Working in Australia (homeaffairs.gov.au)
Diện thị thực và thông tin liên quan | Mục đích cơ bản của các diện thị thực | Hướng dẫn nộp hồ sơ |
---|---|---|
Thăm Úc (Du lịch) - diện thị thực 600 | Du lịch hoặc thăm gia đình và bạn bè | Tiếng Anh - Tiếng Việt |
Thăm Úc (Công tác ngắn hạn) - diện thị thực 600 | Các chuyến thăm Úc ngắn hạn liên quan đến công tác / kinh doanh | Tiếng Anh - Tiếng Việt |
Quá cảnh - diện thị thực 771 | Hành khách quá cảnh tại Úc trẹn đường đến một quốc gia khác | Tiếng Anh - Tiếng Việt |
Thị thực làm việc tạm thời (Chuyên viên Ngắn hạn) - diện thị thực 400 | Công việc ngắn hạn, chuyên môn cao, không liên tục tại Úc | Tiếng Anh - Tiếng Việt |
Thị thực làm việc tạm thời (Quan hệ Quốc tế) - diện thị thực 403 | Làm việc trong những hoàn cảnh cụ thể nhằm cải thiện quan hệ quốc tế với Úc | Vui lòng tham khảo trang mạng của Bộ Nội Vụ để biết thêm chi tiết |
Thị thực Hoạt động Tạm thời - diện thị thực 408 | Các thể loại công việc hoặc hoạt động cụ thể trên cơ sở ngắn hạn, tạm thời | Vui lòng tham khảo trang mạng của Bộ Nội Vụ để biết thêm chi tiết |
Thị thực Chữa bệnh tại Úc - diện thị thực 602 |
Đến Úc để
|
Tiếng Anh - Tiếng Việt |
Thị thực Du học - diện thị thực 500 | Học tập toàn thời gian tại Úc hoặc đến Úc cùng với một thành viên gia đình đã có thị thực Du học |
Quý vị có thể xem thêm chi tiết về cách thức nộp hồ sơ xin thị thực diện này trên trang mạng của Bộ Nội Vụ của chúng tôi. Đối với đương đơn là công dân Việt Nam dưới 18 tuổi, xin vui lòng xem thông tin trong phần 4 dưới đây. |
Thị thực Người giám hộ của Du học sinh - diện thị thực 590 | Cung cấp và hỗ trợ phúc lợi tại Úc cho trẻ thị thực Du học |
Quý vị có thể xem thêm chi tiết về cách thức nộp hồ sơ xin thị thực diện này trên trang mạng của Bộ Nội Vụ của chúng tôi. |
2. Work and Holiday visa -Thị thực Lao động Kết hợp Kỳ nghỉ (Diện thị thực 462)
Thông Tin Chung
Thị thực Lao động Kết hợp Kỳ nghỉ (Work and Holiday) (Diện thị thực 462) cho phép quý vị:
- ở lại Úc tối đa 12 tháng tính từ ngày đầu tiên đến Úc với thị thực này
- làm việc tại Úc, thường là tối đa sáu tháng với mỗi chủ sử dụng lao động
- học tập tối đa bốn tháng
- xuất cảnh và nhập cảnh lại Úc nhiều lần lần trong thời gian hiệu lực của thị thực
- nộp hồ sơ xin thị thực Lao động Kết hợp Kỳ nghỉ thứ hai hoặc thứ ba nếu quý vị đã hoàn thành một số công việc cụ thể tại một số địa phương, vùng miền của Úc.
Năm chương trình bắt đầu vào ngày 1 tháng 7 hàng năm và kết thúc vào ngày 30 tháng 6 năm sau. Hàng năm, số lượng thị thực Lao động kết hợp Kỳ nghỉ (diện thị thực 462) cấp lần đầu cho đương đơn mang hộ chiếu Việt Nam có giới hạn là 1,500 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu hồ sơ cho năm chương trình hiện tại đã hoàn thành. Chúng tôi sẽ tiếp tục xét duyệt những hồ sơ hiện đang chờ quyết định và sẽ cung cấp thêm thông tin trong thời gian tới. Xin vui lòng xem phần Tình trạng chỉ tiêu theo quốc gia tại Status of country caps (homeaffairs.gov.au).
Quy trình nộp hồ sơ cho công dân Việt Nam
Trong năm 2024-2025, chính phủ Úc sẽ áp dụng quy trình trước khi nộp hồ sơ mới (lựa chọn ngẫu nhiên tự động) cho đương đơn từ một số quốc gia đối tác có nhu cầu cao về thị thực Lao động và Kỳ nghỉ
Theo quy trình mới này, hình thức lựa chọn ngẫu nhiên tự động sẽ được áp dụng cho các đương đơn xin thị thực Lao động và Kỳ nghỉ thứ nhất đến từ Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin bao gồm ngày mở quy trình mới này khi sẵn sàng.
Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập New Work and Holiday (subclass 462) visa pre-application process.
Thông tin cập nhật về tình trạng chỉ tiêu hàng năm dành cho công dân Việt Nam (chỉ tiêu có còn hay không) có trên trang Tình trạng chỉ tiêu theo quốc gia của Bộ Nội Vụ. Để biết thêm thông tin chung về diện thị thực này, vui lòng xem trang mạng của Bộ Nội Vụ.
Xem thông tin về lệ phí xét duyệt thị thực hiện tại cho Thị thực Lao động Kết hợp Kỳ nghỉ tại đây.
Công dân Úc
Vì đây là một thỏa thuận mang tính đối đẳng, công dân Úc có thể nộp đơn xin Thị thực Lao động Kết hợp Kỳ nghỉ tại Việt Nam. Để biết thêm thông tin về chương trình và quy trình xin thị thực, vui lòng liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán Việt Nam tại Úc hoặc Cục Việc làm (DOE), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA). Thông tin cũng có thể được cung cấp bởi Đại sứ quán Úc tại Hà Nội bằng cách điền vào Mẫu đơn yêu cầu thông tin về Di trú Úc.
Bảo Vệ Thông Tin Cá Nhân
Những thông tin quý vị đăng tải trên mạng xã hội (diễn đàn, nhóm chat, cộng đồng) có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới bản thân.
Gần đây, Đại sứ quán đã tiếp nhận nhiều báo cáo đáng quan ngại liên quan đến những đối tượng lừa đảo nhắm đến đương đơn xin thị thực Du Lịch kết hợp Kỳ Nghỉ khi những đương đơn này chia sẻ thông tin cá nhân của mình lên mạng xã hội. Đại sứ quán khuyến khích quý vị hãy báo cáo bất kỳ liên lạc nghi ngờ giả mạo nào liên quan đến hồ sơ thị thực của mình qua mẫu đơn trực tuyến: Australian Immigration Enquiry Form (homeaffairs.gov.au)
Quý vị cần có trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân của mình, do đó hãy cân nhắc kỹ trước khi đăng tải hay chia sẻ bất cứ tài liệu gì có chứa thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
Nếu chia sẻ những thông tin nhạy cảm trên các nền tảng công cộng, quý vị có thể sẽ nhận hậu quả nghiêm trọng. Quý vị có thể không biết rằng thông tin cá nhân của mình sẽ bị những đối tượng xấu lợi dụng và sử dụng trong những mục đích phạm pháp như tống tiền, lừa đảo, và giả mạo danh tính, v.v…
Những thông tin nhạy cảm bao gồm:
- Họ và tên đầy đủ
- Ngày tháng năm sinh
- Số hộ chiếu hay số căn cước công dân
- Thư tín từ Bộ Nội Vụ (ví dụ như thư yêu cầu kiểm tra sức khỏe hay thư thông báo cấp thị thực)
- Mã số định danh đương đơn, Mã số Khám sức khỏe, Mã số yêu cầu hay Mã số hồ sơ
Trong trường hợp quý vị cần chia sẻ tài liệu có chứa thông tin cá nhân, hãy che hoặc xóa những thông tin nhạy cảm trước khi chia sẻ chúng.
Hãy thận trọng khi đăng tải bất cứ thứ gì lên mạng xã hội. Hậu quả có thể rất nghiêm trọng.
3. Partner visas - Thị thực Đính hôn/Kết hôn (có hoặc không có đăng ký kết hôn)
Quý vị có thể xem thông tin trên trang mạng của Bộ Nội Vụ để biết hướng dẫn chi tiết về cách thức nộp hồ sơ xin thị thực:
Xin lưu ý: những giấy tờ dưới đây dành riêng cho đương đơn là công dân Việt Nam – và quý vị phải cung cấp thêm những giấy tờ này ngoài những danh mục nêu trong hướng dẫn nộp hồ sơ trên trang mạng của Bộ.
- Bản chụp (scan) màu của bản gốc Căn cước công dân của đương đơn chính và những đương đơn phụ thuộc (từ 15 tuổi trở lên).
- Bản chụp (scan) màu của tất cả các trang Sổ Hộ Khẩu hiện tại của đương đơn.
- Đối với những đương đơn xin diện thị thực 300: nộp bản chụp (scan) màu của bản gốc Giấy Xác nhận Độc thân - xác nhận rằng đương đơn và người bảo lãnh được tự do kết hôn.
Đối với trẻ em dưới 18 tuổi cùng xin đi định cư
Trong trường hợp người cha hoặc người mẹ của trẻ không cùng đi định cư hay một người khác có quyền hợp pháp quyết định nơi sinh sống của trẻ, xin vui lòng cung cấp những giấy tờ sau:
- Đơn đồng ý cho trẻ đi định cư ở Úc từ người cha hoặc người mẹ không cùng đi định cư – xin vui lòng sử dụng mẫu đơn có sẵn trên trang mạng của chúng tôi tại đây. Xin lưu ý rằng:
- Chữ ký của người cha hoặc người mẹ không cùng đi định cư ký trên mẫu đơn phải được Chính quyền địa phương hoặc Cơ quan công chứng xác nhận; và
- Nộp Bản chụp (scan) màu của bản gốc Căn cước công dân của người cha hoặc người mẹ không cùng đi định cư; và
- Đối với trường hợp nhận con nuôi, xin vui lòng cung cấp bản chụp (scan) màu của bản gốc “Quyết định Công nhận Con nuôi” và “Biên bản Giao nhận Con nuôi”.
Nếu quý vị không xin được Đơn đồng ý cho trẻ đi định cư từ người cha hoặc người mẹ không cùng đi định cư, quý vị sẽ phải cung cấp bản chụp (scan) màu của bản gốc quyết định của tòa án xác nhận rằng người cha hoặc người mẹ xin đi định cư có toàn quyền đối với trẻ, và người cha hoặc người mẹ này được phép đưa trẻ đi định cư ở Úc.
Đối với trẻ đi định cư từ 18 tuổi trở lên, xin vui lòng cung cấp những giấy tờ sau:
- Bản chụp (scan) màu của bản gốc Giấy Xác nhận Độc thân (đối với đương đơn là công dân Việt Nam, Giấy Xác nhận Độc thân được yêu cầu cho nữ từ 18 tuổi trở lên, và nam từ 20 tuổi trở lên).
Thông tin về Việt Nam
1. Biometrics Collection in Vietnam - Cung cấp thông tin Sinh trắc học tại Việt Nam
Hầu hết các đương đơn xin thị thực đang cư trú tại Việt Nam sẽ phải trực tiếp cung cấp dấu vân tay và ảnh kỹ thuật số khuôn mặt của mình (trừ trường hợp đương đơn đi với tư cách là Viên chức đại diện của Chính phủ). Để biết thêm thông tin, vui lòng xem trang Những câu hỏi thường gặp bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Việc cung cấp dữ liệu Sinh trắc học được thực hiện trực tiếp và theo lịch hẹn tại Trung tâm Thu thập dữ liệu Sinh trắc học Úc (do VFS Toàn cầu điều hành) tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Vui lòng mang theo hộ chiếu gốc của quý vị. Tiến trình cung cấp thông tin Sinh trắc học có thể được thực hiện ngay sau khi quý vị đã nộp hồ sơ xin thị thực. Quý vị sẽ nhận được yêu cầu cung cấp dữ liệu Sinh trắc học cùng với thư xác nhận nộp hồ sơ thành công. Vui lòng đặt hẹn trực tuyến với Trung tâm Thu thập dữ liệu Sinh trắc học Úc.
2. Approved Medical Clinics in Vietnam - Danh sách những Phòng khám được chỉ định tại Việt Nam
Để biết thông tin về các Phòng khám sức khỏe tại Việt Nam,
- Hãy chọn "Việt Nam" từ bảng chọn (menu) ở cuối trang;
- Trong mục "Bác sỹ được chỉ định" (Panel Physician), hãy nhấp vào liên kết "Chi tiết" (Details);
- Liên lạc với một trong các phòng khám để đăt hẹn
3. Be aware of visa scams that operate in Vietnam - Hãy cảnh giác với các hình thức lừa đảo về thị thực Úc đang tồn tại ở Việt Nam
Các hình thức lừa đảo về Thị thực
Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Úc tại Việt Nam đã có thông tin về một số hình thức lừa đảo thị thực đang tồn tại ở Việt Nam. Xin quý vị hãy thận trọng với bất kỳ cá nhân nào hứa hẹn có thể “đảm bảo” cung cấp thị thực Úc cho quý vị.
Những đối tượng lừa đảo có thể liên lạc với quý vị qua bưu điện, thư điện tử (e-mail), điện thoại hoặc gặp trực tiếp để cung cấp thị thực nhằm đổi lấy các khoản thanh toán, chi tiết cá nhân và giấy tờ tùy thân. Họ có tự nhận quen biết một ai đó trong Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Úc tại Việt Nam, hoặc tự xưng là “Đại lý Di trú đã được đăng ký” hoặc “dịch vụ xin thị thực Úc”.
Những đối tượng lừa đảo có thể cố gắng làm quý vị tin rằng họ là người thật việc thật bằng cách đóng giả làm nhân viên từ một cơ quan của Chính phủ Úc hoặc bằng cách sử dụng các trang mạng trông giống như các trang mạng chính thức của Chính phủ. Các đối tượng hoạt động bất hợp pháp này thường đưa ra lời khuyên không chính xác, chiếm đoạt tiền của quý vị, khuyến khích quý vị nói dối trong hồ sơ xin thị thực của mình và không cung cấp các dịch vụ như đã hứa.
Dấu hiệu cảnh báo
- Quý vị nhận được một lời đề nghị bất ngờ “bảo đảm” cung cấp một thị thực Úc.
- Lời đề nghị đến qua e-mail, các bài đăng trực tuyến, qua điện thoại, trên một trang mạng hoặc thậm chí là trực tiếp.
- Với tuyên bố đây là “cơ hội một lần trong đời”, hoặc là cơ hội “duy nhất” của quý vị để đi đến hoặc di cư đến Úc.
- Quý vị sẽ được yêu cầu trả tiền trước cho những đối tượng lừa đảo để “đăng ký” nguyện vọng xin thị thực. Đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu quý vị trả tiền trực tiếp cho họ thay vì trả cho cơ quan chính phủ và tuyên bố rằng chỉ họ mới có thể trả chi phí này cho cơ quan chính phủ.
- Những đối tượng lừa đảo tuyên bố họ có mối quan hệ đặc biệt với Bộ Nội Vụ.
- Họ nói với quý vị rằng họ cần giữ các tài liệu gốc của quý vị.
Hãy nhớ rằng
- Chỉ có một cơ quan cấp thị thực chính thức của Chính phủ Úc – đó là Bộ Nội Vụ. Trang mạng chính thức của Bộ Nội vụ là: http://www.homeaffairs.gov.au/.
- Nếu quý vị nhận được e-mail từ Đại sứ quán hoặc Tổng lãnh sự quán Úc tại Việt Nam, địa chỉ email phải kết thúc bằng "@dfat.gov.au".
- Lệ phí Xét duyệt Thị thực được nộp trực tuyến thông qua tài khoản ImmiAccount tại thời điểm nộp hồ sơ. VFS Global sẽ thu riêng Lệ phí thu thập dữ liệu Sinh trắc học. Để biết thêm thông tin về Lệ phí thu thập dữ liệu Sinh trắc học, vui lòng truy cập https://visa.vfsglobal.com/vnm/en/aus/
- Không ai có thể ảnh hưởng đến kết quả của hồ sơ xin thị thực hoặc quá trình đưa ra quyết định của hồ sơ xin thị thực. Chỉ những nhân viên được ủy quyền từ Bộ Nội Vụ mới có thể cấp cho quý vị thị thực và chỉ khi quý vị đã đáp ứng tất cả các yêu cầu xét duyệt của diện thị thực đó.
- Bộ Nội Vụ không có bất kỳ mối quan hệ đặc biệt nào với các cơ quan bên ngoài và không dành sự ưu đãi cho bất cứ ai.
Hãy tự bảo vệ mình
- Luôn nghi ngờ khi qúy vị được liên lạc qua điện thoại, bài đăng trên mạng, e-mail hoặc tiếp cận trực tiếp về một thị thực mà quý vị không nộp hồ sơ . Hãy rời đi, cúp điện thoại ngay lập tức hoặc bỏ qua các thư điện tử/thư giấy đó! Chính phủ Úc không liên lạc với quý vị để cung cấp thị thực cho quý vị.
- Một Đại lý dịch vụ Di trú Úc (dù hoạt động ở trong hay ngoài nước Úc) đều phải tuân thủ các Tiêu chuẩn Hành nghề, các Tiêu chí và Quy định phát triển chuyên nghiệp. Để tránh bị lừa đảo, quý vị có thể kiểm tra Danh sách các Đại lý dịch vụ Di trú trên trang mạng của Văn phòng quản lý đăng ký Đại lý dịch vụ Di trú (OMARA), để nhận được sự bảo vệ của một Đại lý dịch vụ Di trú có đăng ký tại OMARA. Thông tin chi tiết có trên trang mạng Sự trợ giúp dành cho hồ sơ của quý vị (Help with your application).
- Không bao giờ đưa hoặc gửi cho bất cứ ai các giấy tờ tùy thân gốc của quý vị. Các cơ quan chính phủ có thể muốn trực tiếp xem các giấy tờ gốc của quý vị hoặc có thể yêu cầu bản sao công chứng nhưng không bao giờ yêu cầu giữ lại các giấy tờ gốc của quý vị.
- Không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân, thẻ tín dụng hoặc ngân hàng của quý vị trong e-mail hoặc qua điện thoại - Những đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thông tin của quý vị để thực hiện gian lận về nhân thân hoặc đánh cắp tiền của quý vị.
- Nếu quý vị nghĩ rằng quý vị đã cung cấp chi tiết tài khoản ngân hàng của mình cho một đối tượng lừa đảo, hãy liên hệ với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của quý vị ngay lập tức.
4. Minor applicants under 18 years of age - Đương đơn dưới 18 tuổi
Nếu đương đơn dưới 18 tuổi và dự định không đi cùng cha và mẹ, cha hoặc mẹ hay người giám hộ hợp pháp:
- Nộp bản gốc Thư đồng ý cấp thị thực do cha và mẹ, cha hoặc mẹ hay người giám hộ hợp pháp không cùng đi ký tên; hoặc nộp mẫu “Đơn đồng ý cấp thị thực Úc cho trẻ dưới 18 tuổi” – mẫu đơn này có sẵn trên trang mạng của chúng tôi tại https://hcmc.vietnam.embassy.gov.au/files/hchi/Travel_consent_form.pdf
và
- Giấy tờ chứng minh nhân thân (Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu) của người ký đơn đồng ý cho trẻ dưới 18 tuổi đi Úc.
Thư đồng ý hay Đơn đồng ý phải ghi rõ tên của trẻ, tên của người ký đồng ý cho trẻ đi Úc. Thư đồng ý hay Đơn đồng ý phải được Ủy Ban Nhân Dân hoặc Phòng công chứng ở Việt Nam (hoặc ở quốc gia có liên quan) xác nhận rằng họ đã kiểm tra thông tin cá nhân của người đồng ý; đồng thời Thư đồng ý hay Đơn đồng ý được ký trước sự hiện diện của cơ quan chức năng.
Xin lưu ý rằng theo Luật của Việt Nam, kể cả trong trường cha mẹ của trẻ đã ly hôn hay ly thân, mất liên lạc hay được tòa án tuyên bố mất tích thì đương đơn vẫn phải nộp Đơn đồng ý hoặc Thư đồng ý cho trẻ đi Úc - trừ khi có một quyết định cụ thể của tòa án cho phép trẻ xuất cảnh.
Trong trường hợp quý vị không cung cấp được những giấy tờ trên đây, quý vị phải nộp quyết định của tòa án ở Úc hoặc ở Việt Nam cho phép trẻ xuất cảnh.
Last updated 04.10.2024