CHƯƠNG TRÌNH VIỆN TRỢ TRỰC TIẾP (DAP) HƯỚNG DẪN CHUNG
Chương trình Viện trợ Trực tiếp (DAP) là chương trình viện trợ quy mô nhỏ của Chính Phủ Úc do Tổng Lãnh Sự Quán Úc phụ trách phân bổ. Mục tiêu của DAP là giải quyết những khó khăn mang tính nhân đạo thông qua việc tài trợ cho các dự án phát triển quy mô nhỏ. Dưới đây là một số hướng dẫn chung cho việc nộp đơn xin tài trợ dự án theo chương trình DAP và một số ví dụ về các dự án đã được tài trợ trước đây.
Ai có thể xin tài trợ?
Bất kỳ tổ chức nào cũng có thể xin tài trợ. Trước đây, Tổng Lãnh Sự Quán đã chấp thuận đề xuất từ các Ủy Ban Nhân Dân tỉnh và quận huyện, các sở ban ngành của địa phương, các tổ chức phi chính phủ (trong nước và quốc tế), các tổ chức cộng đồng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cũng như từ các bệnh viện và trường học địa phương. Cá nhân không được xin tài trợ.
Loại dự án nào được xem xét?
Khi xem xét các đề xuất dự án, Tổng Lãnh Sự Quán quan tâm đến những đơn xin khoản tài trợ nhỏ (trung bình khoảng 10.000 đô-la Mỹ, tuy nhiên, những dự án có giá trị cao hơn cũng có thể được xem xét) cho các dự án độc lập, có mục tiêu rõ ràng với kết quả cụ thể, có thể được thực hiện trong khung thời gian được xác định cụ thể. Tất cả các dự án phải hoàn thành và báo cáo tổng kết trước khi kết thúc năm tài chính mà dự án được tài trợ (đối với chương trình của năm nay là 30/6/2015).
Những lĩnh vực có thể nhận được tài trợ của DAP bao gồm: sức khỏe cộng đồng, giáo dục, cơ sở hạ tầng qui mô nhỏ, vệ sinh, và phát triển nông thôn. Trong một số trường hợp, các hoạt động cứu trợ thiên tai, các hoạt động mang ý nghĩa văn hóa và trang thiết bị thể thao cho những cộng đồng chịu thiệt thòi có thể được xem xét.
Cơ quan tiếp nhận tài trợ cần chứng tỏ cam kết của mình với dự án và tính bền vững của dự án. Trong các nhóm cộng đồng, cam kết này được thể hiện rõ nhất qua việc đóng góp nhân lực và nguồn lực của cộng đồng cho dự án. Về tính bền vững của dự án, đơn xin tài trợ phải thể hiện cam kết và khả năng của bên nộp đơn trong việc duy trì dự án lâu dài sau thời gian nhận tài trợ theo chương trình DAP.
Hồ sơ xin tài trợ bao gồm:
• Những tiêu chí cụ thể mà tổ chức xin tài trợ sử dụng để lựa chọn các đối tượng hưởng lợi;
• Chi tiết cụ thể về tác động phát triển dự kiến (ví dụ, về mặt thúc đẩy sự phát triển cộng đồng, giáo dục, y tế, giới (bao gồm vai trò của phụ nữ), các nhóm đối tượng chịu thiệt thòi, và tính bền vững của môi trường);
• Bản giải trình chi phí chi tiết nêu chính xác các chi phí liên quan đến dự án và chỉ rõ khoản tài trợ của DAP sẽ chi trả cho (những) cấu phần nào của dự án;
• Hai bản báo giá cho mỗi cấu phần chính của dự án (vui lòng liên hệ Tổng Lãnh Sự Quán nếu không rõ thế nào là những cấu phần chính của dự án);
• Ảnh chụp các trang thiết bị/cơ sở hiện có, nếu phù hợp;
• Thiết kế hoặc bản phác thảo đối với dự án xây dựng.
Mẫu hồ sơ có thể được tải về từ trang web của Tổng Lãnh Sự Quán Úc www.hcmc.vietnam.embassy.gov.au
Một số ví dụ về các dự án trước đây đã nhận được sự hỗ trợ của DAP:
Xây phòng học, nhà vệ sinh
Mua trang bị thiết bị dạy học hoặc trang thiết bị y tế (không khuyến khích mua ti vi, đầu video và máy vi tính)
Xây dựng các cây cầu nhỏ
Hệ thống cung cấp nước sạch
Dự án xây dựng
Cần lưu ý rằng đối với các dự án xây dựng, bên xin tài trợ cần thể hiện trong hồ sơ xin tài trợ sự hiểu biết của mình về các tiêu chuẩn xây dựng quốc gia và các qui định về Sức khỏe và An toàn Lao động đang có hiệu lực trong lĩnh vực này và cam kết thực hiện đúng theo các tiêu chuẩn và qui định này. Cần lưu ý rằng Hướng dẫn của chương trình DAP không cho phép sử dụng a-mi-ăng làm vật liệu xây dựng.
Dự án liên quan đến đào tạo
Đối với các dự án liên quan tới tuyên truyền/ đào tạo, tất cả tài liệu tuyên truyền/ đào tạo (hoặc ít nhất là đề cương của các tài liệu này và chương trình giảng dạy/tuyên truyền) phải được gửi kèm với hồ sơ xin tài trợ. Bằng cấp và kinh nghiệm của giảng viên cũng phải được nêu rõ trong hồ sơ xin tài trợ; nếu không cung cấp được những tài liệu và thông tin trên thì bên xin tài trợ phải tự trang trải chi phí cho cấu phần đào tạo/tuyên truyền của dự án.
Dự án nào không nhận được tài trợ?
Theo quy định chung, các hoạt động và chi phí sau đây sẽ không được nhận tài trợ: hội nghị trong nước và ngoài nước nhưng không nhắm đến mục tiêu phát triển; các chuyến công tác học tập ở nước ngoài; đào tạo chuyên môn ở Úc; các hạng mục có tính chất định kỳ như tiền lương cho nhân viên, chi phí cho việc thuê văn phòng và tiện ích, các phụ tùng thay thế, vật dụng, bảo dưỡng và sửa chữa định kỳ; các chương trình viện trợ được quản lý bởi các quốc gia hay các tổ chức khác; và các chương trình tín dụng quy mô nhỏ. Các dự án phải nêu rõ các chi phí có liên quan, để đảm bảo đề xuất xin tài trợ theo chương trình DAP không phải để chi trả cho các hạng mục nêu trên.
Chi phí hành chính hoặc chi phí nhân sự (bao gồm chi phí trả cho tư vấn và cố vấn) thường không được tài trợ. Tuy nhiên trong một số trường hợp hạn hữu, chi phí hành chính hoặc chi phí nhân sự có thể được xem xét trong trường hợp các chi phí này chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng chi phí.
Các yêu cầu về tính minh bạch và Báo cáo quyết toán
Tất cả các bên nhận tài trợ của DAP đều phải nộp báo cáo quyết toán, bao gồm đánh giá xác thực về kết quả thực tế của dự án (so sánh với kết quả dự kiến được nêu trong hồ sơ xin tài trợ), cũng như các thông tin về tài chính và ảnh chụp dự án. Tất cả hóa đơn phải là hóa đơn đỏ (hoặc bản copy của hóa đơn đỏ) trừ khi có sự đồng ý từ trước của Tổng Lãnh Sự Quán Úc.
Khi nào có thể nộp hồ sơ xin tài trợ?
Chương trình DAP được thực hiện theo năm tài chính của Úc từ tháng 8 năm 2014 đến tháng 6 năm 2015. Hạn cuối cùng để nộp đơn xin tài trợ theo chương trình DAP của năm 2014-15 là 10/10/2014. Chúng tôi sẽ công bố những dự án xin tài trợ được chấp thuận vào đầu tháng 12 năm 2014. Dự án phải được hoàn thành theo đúng mốc thời gian nêu trong hồ sơ xin tài trợ. Hướng dẫn của DAP qui định tất cả các dự án phải được hoàn thành và quyết toán trước khi kết thúc năm tài chính mà dự án được tài trợ. Nếu một dự án không được hoàn thành trong khoảng thời gian nêu trên, khoản tài trợ phải được hoàn trả lại cho Tổng Lãnh Sự Quán Úc. Do đó, nếu dự án của anh/chị không được hoàn thành trước ngày 15 tháng 6 năm 2015, anh/chị phải thông báo cho Tổng Lãnh Sự Quán Úc để thảo luận về tiến độ của dự án, trên cơ sở đó Hội đồng DAP của Tổng Lãnh Sự Quán Úc sẽ quyết định khoản tài trợ có phải được hoàn trả lại hay không.
Vui lòng nộp hồ sơ đến địa chỉ sau:
Chương trình viện trợ trực tiếp (DAP)
Tổng Lãnh Sự Quán Úc
Lầu 20, Tòa nhà Vincom
47 Lý Tự Trọng
Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Lưu ý rằng không phải tất cả các dự án nộp đến sẽ được tài trợ. Văn phòng chúng tôi sẽ chỉ xem xét các hồ sơ đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn và chọn ra một số dự án tốt nhất để tài trợ. Các hồ sơ nộp sau ngày 10 tháng 10 năm 2014 sẽ không được xét duyệt.
Thắc mắc:
Mọi thắc mắc về Chương trình DAP, vui lòng liên hệ cô Lê Thị Khôi Cát theo số điện thoại +84 8 3521 8100, số máy lẻ 126 hoặc e-mail: [email protected]
Vui lòng lưu ý rằng Đại sứ quán Úc tại Hà Nội quản lý những dự án ở phía Bắc (từ Lai Châu đến Thừa Thiên-Huế) và Lãnh sự quán Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh quản lý những dự án ở miền Nam (từ Đà Nẵng đến Cà Mau). Vì những lý do hành chính, Đại sứ quán Úc và Lãnh sự quán Úc có quy trình và thời hạn xét duyệt hồ sơ khác nhau. Vui lòng tham khảo trang web http://www.vietnam.embassy.gov.au/hnoi/cooperation.html để biết thêm thông tin về Chương trình DAP của Đại sứ quán Úc.